MỆNH ĐẮC TỨ LINH ( trong Tử Vi ) có phải là người có căn và có phải Trình Đồng Mở Phủ không ?

Để trả lời cho câu hỏi trên cần làm rõ các nội dung:
*  Bạn hiểu gì về Đạo Mẫu ( Tín ngưỡng thờ Mẫu )
*  Lễ Trình Đồng Mở Phủ là gì ?
*  Như thế nào được gọi là người có Căn (căn đồng số lính ).
*  Liệu cung mệnh đắc Tứ Linh có phải là người có căn hay không?



Vấn đề thứ nhất : Đạo Mẫu ( Tín ngưỡng thờ Mẫu ) có mấy nét cơ bản sau đây:
Chúng ta hay gọi là Đạo Mẫu nhưng thực tế đây không phải là đạo. Đạo là khái niệm thường gắn liền với tôn giáo như đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi... Để được gọi là một đạo hay một tôn giáo phải hội tụ đủ bốn yếu tố như sau :
*  thứ 1 nhất phải có giáo chủ,
*  thứ 2 phải có giáo lý,
*  thứ 3 phải có giáo luật,
*  thứ 4 phải có tín đồ.
Giáo chủ là người sáng lập ra đạo hay tôn giáo. Ví dụ giáo chủ của đạo Phật là Thích Ca, giáo chủ của đạo Thiên Chúa là Giê Su, giáo chủ của đạo Hồi là Mô Ha Mét...; giáo lý là tư tưởng, triết lý của đạo thường có trong hệ thống kinh sách; giáo luật là những quy định, luật lệ do giáo hội ban hành; tín đồ là nhưng người theo đạo, khi đã theo đạo thì không được phép đi theo một đạo khác.
  Từ đó có thể thấy rằng điều mà chúng ta hay nói, hay được nghe là “ Đạo Mẫu” thực chất không phải là đạo, gọi một cách chính xác thì là Tín ngưỡng thờ Mẫu.
  Có một số loại hình tín ngưỡng dân gian mà chúng ta đều biết như : tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ tổ nghề,tín ngưỡng thờ các vị thần thiên nhiên. v.v...Trong đó tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt đã được UESCO công nhận là “ Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
  Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam chính là việc tôn thờ nữ thần, cụ thể ở đây là thờ mẫu thần, tôn thờ hình tượng người mẹ trong văn hóa dân gian Việt Nam.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu ta thường nghe nói đến Tam Phủ, Tứ Phủ. Vậy Tam Phủ và Tứ Phủ nghĩa là gì ?
  Tam Phủ ở đây nói đến ba ngôi là Tam Vị Tiên Thánh gồm : Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ; Tứ Phủ là nói về bốn nơi hoặc bốn cõi hay bốn miền gồm : Thiên Phủ ( miền trời ), Nhạc Phủ (miền rừng núi ), Địa Phủ ( miền đất ) và Thoải Phủ ( miền sông nước ).
Về cơ bản trong tín ngưỡng thờ Mẫu có một hệ thống các vị thánh đông đảo, và những tín đồ thường tập trung vào việc thờ phụng thực hành các nghi lễ xoay quanh các các vị thánh này. Các vị thánh chủ chốt gồm có:
* Ngọc Hoàng Thượng Đế, Bát Hải Minh Vương, Thập Điện Minh Vương. ( Ngọc Hoàng Thượng Đế là vị thánh cao nhất trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hai bên có hai vị là Nam Tào và Bắc Đẩu, tuy nhiên một số nơi phủ, điện không có Ban thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế ).
*  Tam tòa Thánh Mẫu : Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải.
*  Hàng Quan: gồm các vị quan lớn.
*  Hàng Chầu Bà.
*  Hàng các vị Chúa
*  Hàng Ông Hoàng.
*  Hàng Cô.
*  Hàng Ngũ Hổ, Thanh Xà Bạch Xà.

Tín ngưỡng thờ Mẫu đi liền với nghi thức Hầu Đồng ( còn gọi là Lên Đồng, Hầu Bóng ) ở nghi thức này các Thanh Đồng sẽ hóa thân vào các vị thánh, thường được gọi là các “giá đồng ” với những trang phục đặc trưng cùng với âm nhạc ( ở đây là nghệ thuật hát Chầu Văn ) để diễn xướng ôn lại sự tích, công lao của các vị thánh trong đó có cả phần “nhập đồng” để Thanh Đồng truyền đạt những lời “phán truyền” của của các vị thánh tới con nhang đệ tử, hay những người tham dự lễ.

Vấn đề thứ hai : Lễ Trình Đồng Mở Phủ.
Đây là nghi thức quan trọng bậc nhất trong tín ngưỡng thờ Mẫu, Thanh Đồng ở trường hợp này gọi là Đồng Thầy thực hiện nghi thức nhập môn cho người mới còn được gọi là đệ tử để người mới chính thức bước chân vào “ ngôi nhà Tứ Phủ”, trở thành con đồng tứ phủ, tức là con của các thánh, là sự khẳng định đồng nhân với thánh mẫu đình thần Tam,Tứ Phủ. Nguyện “cắt tóc làm tôi, nối đời làm con” với nhà thánh để từ đây nguyện cầu cho quốc thái dân an, sống tốt đời đệp đạo.
  Trong 3 năm sau ngày mở phủ người mới được gọi là tân đồng, sau 3 năm làm lễ tạ đàn và chính thức trở thành thanh đồng, những người có căn số làm thầy được phong quan ( hay gọi là thanh đồn đạo quan ) và có thể thực hiện nghi thức mở phủ cho người khác. Cũng có người cho rằng sau khi được trình đồng mở phủ thì người mới đã là một thanh đồng và sau 100 ngày thì làm lễ tạ. Trong một năm Thanh Đồng phải thực hiện ít nhất hai vấn hầu vào các dịp “tháng Tám tiệc Cha, tháng Ba tiệc mẹ”, hoặc vào mùa xuân và mùa thu, người nào có điều kiện có thể thực hiện nhiều vấn hầu quanh năm suốt tháng.
  Như đã phân tích ở phần đầu đây không phải là một đạo ( không có giáo chủ, giáo lý, giáo hội ) mà là tín ngưỡng dân gian nên trong thực tế việc thực hành nghi lễ có sự không đồng nhất do quan niện vùng miền và cả phong cách cá nhân. Ngay trong giới hầu đồng cũng có những quan điểm trái ngược nhau ví dụ :như thế này thì mới phải hầu giá Trần Triều, như thế kia thì không phải hầu, lại còn có người lệch lạc hầu cả những nhân vật không nằm trong hệ thống Tứ Phủ như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tôn Ngộ Không .v.v.. Cũng là nghi thức cắt tiền duyên nhưng có người bảo như này mới đúng, như thế là sai, có cậu dùng hình nhân, có cô dùng sợi chỉ hồng, có thầy dùng sớ điệp, có người lại dùng đôi gà trống - mái non tơ, mỗi thầy một cách, muôn hình vạn trạng chứ không bắt buộc phải theo một khuôn phép nào. Vì vậy trong “giới” cũng xuất hiện những ngôn ngữ chuyên ngành như “đồng ngay”, “đồng chuẩn”, “đồng loạn” hay “đồng điên”...

Vấn đề thứ 3 : như thế nào thì được gọi là có căn (căn đồng số lính ).
  Trước hết ta thử cắt nghĩa Hán Việt một số thuật ngữ :
*  Căn : nghĩa là gốc cây, rễ cây, còn có nghĩa là căn nguyên, nguyên nhân, căn do của sự vật hiện tượng.
* Số : nghĩa là số lượng, số đếm, số còn là những biểu hiện, những tác động của các sự vật, sự việc, hiện tượng bên ngoài vào một chủ thể nào đó ( bao gồm cả con người ).
*  Thanh : nghĩa là trong sạch, thanh khiết, thanh cao.
* Đồng : nghĩa là đứa trẻ, ví dụ nhi đồng, hài đồng...

Theo quan niệm dân gian : người có căn đồng là những người có nghiệp duyên, nghiệp chướng hay dễ hiểu hơn là mang trong mình những tội lỗi đã gây ra từ kiếp trước hoặc kiếp này. Tới khi vận đến, những người này phải chịu hậu quả, phải đón nhận kết quả xấu do chính mình tạo ra, phải chịu kiếp khổ sở. Những người này may mắn được các Thánh đức đoái thương, cứu vớt và chấm chọn để thay mặt Thánh làm việc cứu độ thế gian, ban phúc, làm việc thiện bằng nhiều cách để chuộc lại lỗi lầm của bản thân cũng như có cơ hội an nhiên, thanh thản sau khi thoát sinh. Vì vậy những người có căn đồng giống như một đứa trẻ được các Thánh mở đường dẫn lối làm theo lẽ phải ddiieuf ngay, được thanh tẩy tâm hồn, thể xác, biến đổi cuộc sống, chuộc lại lỗi lầm. 
Theo tín ngưỡng thờ Mẫu : người có căn đồng là người sinh ra ở dương thế nhưng có số hệ thiên cung, mệnh càn bóng quế hay là con của cửa Tứ phủ công đồng. Cũng giống như quan niệm của dân gian, tín ngưỡng thờ Tứ phủ cho rằng, người có căn đồng là người được các Thánh chấm, tùy theo căn số của từng người mà sẽ được Thánh bắt đi lính phải hầu đồng hoặc không phải hầu đồng. Những người có căn đồng thường có những biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào mức độ căn số của từng người nặng hay nhẹ, nhưng hầu hết là những người có năng lực cảm thụ tâm linh lớn xin nhấn mạnh là người có năng lực cảm thụ tâm linh lớn.
Những biểu hiện thường thấy ở người có căn đồng như sau:
* Người có căn đồng đôi khi có ảo giác, nằm mơ thấy đức Mẹ hoặc Tiên Thánh Thần, có cảm giác có Thánh thần bên cạnh mình, ủng hộ và che chở cho bản thân.
*  Người có căn đồng khi tham gia các buổi hầu đồng, hầu Thánh, họ thường thấy tâm hồn lâng lâng, bay bổng, tinh thần phấn chấn và cảm nhận được sự đồng cảm qua những câu hát văn, lời tấu, lời thỉnh. Ở mức độ nặng hơn, họ có những hành động, cử chỉ và lời nói trong vô thức. Mặc dù vẫn nhận biết rõ mọi vật xung quanh nhưng không tự chủ được. Cái này còn gọi là sát căn, nghĩa là khả năng hấp thụ tâm linh lớn.
*  Một số người có căn đồng bị hành khiến cho gia đình bất an, tán gia bại sản. Cuộc sống xảy ra nhiều chuyện bất hòa, lao đao. Bản thân luôn bất an, ngày đêm lo lắng mà  không rõ nguyên do, chỉ luôn thấy cảm giác bất ổn thường trực và lo sợ chuyện không hay xảy đến với mình. Có người nghiệp duyên nặng nề dẫn tới tâm hồn hoảng loạn, có thể bị điên, ăn nói lung tung, hay nói chuyện Thánh thần nhưng đôi lúc lại hoàn toàn bình thường. Có những căn đồng bị hành bệnh, giống như giả vờ, khi đưa đi chữa trị thì lại không tìm ra bệnh hoặc không có bệnh, như không hề có chuyện gì xảy ra.
*  Có những người không bị hành bệnh, không có biểu hiện gì khác thường nhưng trong thâm tâm lại cảm thấy không ổn, nôn nao, bồn chồn không rõ nguyên nhân, luôn có lực nào đó thúc đẩy họ đến cầu Mẫu, xin Thánh thần. Người có căn đồng có cuộc sống đời thường rất đa dạng, xuất thân từ nhiều thành phần xã hội nhưng đều trải qua thời gian bị hành mới biết đến Thánh đức của mình.

Quan sát từ thực tế nhận thấy : có những người rơi vào hoàn cảnh cực khổ mà người ta hay nói là “bị đày” hay “bị hành” sau khi Trình Đồng Mở Phủ thì cuộc sống của họ trở lên tốt đẹp hơn, điều này có được do các Thánh phù trợ hay việc tìm đến tâm linh tín ngưỡng như một biện pháp tâm lý trị liệu thì tùy vào cách cảm nhận, hay quan điểm của mỗi người. Cũng có rất nhiều người cuộc sống đang bình thường, êm ấm nghe thầy phán là có căn phải ra trình đồng, từ đó cuộc sống ngụp lặn trong vòng vây mê tín dị đoan, tốn tiền hao của, gia đình mâu thuẫn dẫn tới ly hôn, tan nhà nát cửa.
Lưu ý :
Chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa hiện tượng khách quan tự nhiên (như bệnh tâm thần, bệnh hoang tưởng, tinh thần hoảng loạn, hiện tượng ảo giác .v.v..) và người có căn số đang trong giai đoạn hành. Nếu như là biểu hiện của bệnh lý y học thì cấn đến cở sở y tế để thăm khám và điiều trị. Ngoài ra, ta cần phải hiểu rằng, người có căn đồng không chỉ đơn giản là nhận lộc Thánh, truyền lệnh Thánh hay dẫn dắt các nghi thức tâm linh mà họ cũng phải trải qua nhiều kiếp nạn, phải chịu thử thách để tìm đến con đường chính đạo.


Vấn đề thứ 4 : Cung mệnh đắc Tứ Linh có phải là người có căn hay không ?
Cung Mệnh và cung tam phương tứ chính là cung Quan Lộc, cung Thiên Di, cung Tài Bạch hội tụ đủ bốn sao là Long Trì, Phượng Các, Bạch Hổ, Hoa Cái được gọi là đắc Tứ Linh.
  Về mặt lý thuyết : Theo các Sách về Tử Vi mà bản thân đã từng đọc và nghiên cứu thì người đắc bộ Tứ Linh được phù trợ đắc lực từ thế giới tâm linh, bộ Tứ Linh cũng có tác dụng tốt trong việc giải cứu tai ách, lợi cho việc cầu công danh thi cử... Chưa thấy một sách nào nói rằng mệnh có bộ Tứ Linh là người có căn.
  Về thực tế : Trải qua qua trình chấm lá số và luận giải Tử Vi thì bản thân có được sự thống kê như sau ( lưu ý đây là số liệu cá nhân còn các thầy khác thì như nào thì không được rõ ): cứ khảng 100 lá số thì có khoảng 25 lá số đắc bộ Tứ Linh, tức là tỷ lệ 1/4. Tạm suy ra là cứ 4 người thì có 1 người đắc Tứ Linh. Đây là con số khá lớn, nếu kết luận rằng đắc bộ Tứ Linh là có căn đồng số lính thì xã hội này có vô số người mang căn quả. Suy rộng ra ví dụ mỗi gia đình có 4 người thì nhà nào cũng có một người có căn và phải ra Trình Đồng Mở Phủ. Thông qua các mối quan hệ và quá trình giao lưu thì cũng được biết rằng có vị là thanh đồng nhưng cung mệnh trong Tử Vi không hề có Tứ Linh.
  Nói tóm lại  Mệnh đắc bộ Tứ Linh trong Tử Vi chỉ nên hiểu là người được phù trợ mạnh về mặt tâm linh. Trong số những người này có cả những người có căn và những những người không hề có căn. Còn cách nhận biết người nào có căn thì đã trình bày ở phần trên.
  Cuối cùng nếu bạn hoặc người thân của mình được cho là có căn thì phải làm thế nào ?
  Trả lời : phải có sự chuẩn bị về mặt tư tưởng, tinh thần , kinh tế.
Chuẩn bị về tử tưởng : cần xác định bước chân vào “ ngôi nhà Tứ Phủ “ là việc rất hệ trọng, lễ Trình Đồng Mở Phủ cũng quan trong không kém lễ kết hôn của bạn, bạn phải hiểu người hôn phối của mình là người như thế nào ? mình có thể gắn bó đến hết cuộc đời không ? ở đây cũng vậy bạn phải có kiến thức để hiểu  về tín ngưỡng Thờ Mẫu, bạn cũng phải xác định xem mình có theo được cho trọn đạo không, hay lai rơi vào cảnh theo không nổi mà bỏ cũng không xong.
Chuẩn bi về tinh thần : bạn cần xem phản ứng từ người thân trong gia đình ra sao và người đồng thầy của bạn là người như thế nào ? Đã có nhiều người vì bị gia đình phản đối ngăn cấm mà phải ra ở riêng hoặc phải bỏ chồng, bỏ vợ... Về người đồng thầy thì trong xã hội ngày nay có nhiều thanh đồng đạo quan chuẩn mực, có năng lực, có tài, có tâm, đem sức mình ra giúp đời giúp người, nếu bạn gặp được vị đồng thầy như vậy thì còn gì bằng, xin chúc mừng bạn. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người cũng xưng danh là cô, là cậu, là thầy, là tứ trụ hầu dâng, tay quỳnh tay quế nhưng lại “ lệch chuẩn “ cả về chuyên môn lẫn đạo đức, lối sống : thiếu kiến thức nhưng lại không chịu học hỏi, lợi dụng lòng tin của người khác để trục lợi cho cá nhân mà người đời hay gọi là “buôn thần bán thánh”, lối sống thì buông thả, thô tục, lỗ mãng ngay cả trên sập công đồng, giữa chốn linh thiêng, thầy không ra thầy trò không ra trò, nếu ai không may bị vướng vào nhóm này làm lễ Trình Đồng Mở Phủ mà bản lĩnh không tốt thì rất dễ bị lây nhiễm thói hư tật xấu, thậm chí bị lây nhiễm cả về mặt giới tính, một thời gian sau đàn ông không ra đàn ông, đàn bà cũng chẳng phải đàn bà. Đây là lỗi do con người tạo ra chứ không phải do căn số, thần thánh hay ma quỷ.
Chuẩn bị về kinh tế : đương nhiên rồi, các cụ nhà ta có câu “ có thực mới vực được đạo”, cả trong trường hợp này cũng đúng. Bạn cũng nên biết mỗi vấn hầu tốn hết bao nhiêu tiền, điều này cũng còn phụ thuộc vào vị đồng thầy nữa. Đồng nghèo lính khó ( còn gọi là đồng quê ) cũng tốn dăm ba bảy triệu, đồng sang bóng quý thì vô cùng vô tận, có vấn hầu chục triệu, vài chục triệu thậm chí cả trăm hay vài trăm triệu cũng không phải là hiếm. Ngoài ra còn phải tham dự giao lưu các nghi lễ của đồng thầy, bản hội nữa chứ...
Với người có căn đồng nhẹ có thể làm lễ tôn nhang bản mệnh; nếu chưa đạt yêu cầu thì phải làm lễ trình đồng mở phủ, chính thức thành con dân nhà Thánh, “bắc ghế cha ngồi, bắc ngôi mẹ ngự”.
Với người có căn đồng nặng, nặng căn nặng quả mà mình chưa có điều kiện để ra trình đồng mở phủ, thì có thể làm lễ xin khất đồng, khi có điều kiện sẽ trình đồng sau. Người vì điều kiện sức khỏe hoặc tuổi tác mà không thể thực hiện các nghi thức có thể xin làm lễ tiễn căn.
 Hy vọng với những thông tin sẽ tháo gỡ phần nào những băn khoan thắc mắc của các gửi về kênh Youtube của mình. Chúc các bạn mạnh khỏe và có đời sống tâm linh lành mạnh, thánh thiện, an vui.
 Dương Ngọc Sáng


Nhận xét