THÔNG TIN THAM KHẢO ĐẶT TÊN CHO BÉ GÁI TUỔI QUÝ MÃO 2023
Em zai thân mến! Ban đầu anh định a-lô tư vấn trực tiếp cho em, song lại băn
khoăn sợ em không nhớ hết được nội dung. Vì vậy anh quyết định chia sẻ bằng văn
bản để em có thể lưu lại làm tư liệu tham khảo.
1. Nhận thức chung về việc đặt
tên cho bé theo phong thủy:
Việc đặt tên cho bé hợp phong thủy được các thầy
hoạt động trong lĩnh vực phong thủy đưa ra. Ngoài việc tìm ra cho bé một cái tên
mang ý nghĩa tốt lành còn nhằm mục đích đạt được các yếu tố cân bằng hòa hợp về
âm dương ngũ hành với mong ước cho bé có một cuộc sống thuận lợi và tốt đẹp hơn.
Như vậy có thể coi đây là một việc làm ý nghĩa. Tuy nhiên cũng giống như việc
chọn hướng nhà, chọn số sim điện thoại, chọn biển số xe đẹp... việc chọn tên cho
các bé cũng hay được quảng cáo một cách thái quá (“nói quá công dụng của
thuốc”), nào là phát công danh tài lộc, cuộc sống vinh hoa phú quý...Thực tế thì
các thầy phong thủy cũng thừa biết rằng: “nhất mệnh nhì vận”, và tất nhiên phong
thủy cũng xếp sau MỆNH và VẬN. Nhưng đâu đó chúng ta vẫn thấy người ta tuyệt đối
hóa phong thủy, coi phong thủy quyết định mọi thứ, nhất là đánh vào tâm lý mong
cầu của đại đa số quần chúng. Theo quan điểm của anh thì phong thủy cũng có giá
trị nhất định nhưng nó ở một mức độ nào đó mà thôi. Ví như việc thực hiện phong
thủy nhà ở giúp cân bằng các yếu tố âm dương ngũ hành tại nơi chúng ta sinh
sống, từ đó làm cho những người sống tại nơi đó có cảm giác dễ chịu, thoải mái.
Điều đó có lợi cho sức khỏe cả về tinh thần cũng như thể chất, từ đó con người
cảm thấy có nhiều năng lượng hơn, hiệu quả công việc tăng lên, dần dần góp phần
cải thiện chất lượng cuộc sống. Chứ hoàn toàn không có chuyện “một phút lên
tiên” rồi vinh hoa phú quý ùa về được. Việc đặt tên cho bé theo phong thủy trước
hết thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc chu đáo tỉ mỉ của cha mẹ với
bé, qua đây cũng gửi gắm niềm hi vọng cho bé sau này có cuộc sống tốt đẹp, trở
thành người tử tế và giúp ích cho xã hội. Việc làm này cũng tạo một nguồn năng
lượng tích cực truyền tải tới bé. Sau này khôn lớn mỗi khi nghĩ đến cái tên của
mình bé sẽ tự hào về cha mẹ và tự ý thức hơn làm sao cho xứng đáng với tình yêu
thương mà cha mẹ đã dành cho. Có lẽ chúng ta – những người lớn nên dừng lại ở
cái ý nghĩa tốt đẹp này. Đừng nên tham vọng đặt tên theo phong thủy cho bé để
cho bé sau này thành ông nọ bà kia, vô hình chung tạo áp lực cho các cháu này,
có khi “lợi bất cập hại”.
2. Việc đặt tên theo phong thủy được thực hiện như thế
nào ?
Thứ nhất: Căn cứ vào năm tháng ngày giờ sinh của bé. Sau khi bé chào đời,
tức là biết được năm tháng ngày giờ sinh, người ta lập thành lập ra bát tự (8
chữ) tức là thiên can địa chi của năm tháng ngày giờ sinh. Sau đó xác định ngũ
hành của các dữ kiện này. Nếu ngũ hành bị khuyết thiếu 1 hành thì người ta sẽ
đặt tên cho bé theo hành đó cho có đủ ngũ hành mộc-hỏa-thổ-kim- thủy. Trường hợp
có đủ ngũ hành nhưng có 1 hành trội hẳn lên, như thế cũng được coi là mất cân
bằng ngũ hành. Giả sử có hành Thổ nổi trội thì người ta sẽ đặt tên con theo hành
Kim để tiết giảm hành Thổ vì Thổ sinh Kim. Ví dụ minh họa: một người sinh năm
1994, tháng 10, ngày 5, 13h30’ dương lịch. Bát tự lần lượt là: Giáp Tuất, Giáp
Tuất, Giáp Tý, Tân Mùi. Ngũ hành sau khi đối chiếu sẽ là: Mộc 3, Hỏa 0, Thổ 3,
Kim 1, Thủy 1. Như vậy bị khuyết hành Hỏa, vì vậy người ta phải tìm một cái tên
thuộc nhóm Hỏa để đặt cho người này, điều này lại càng tốt thêm vì người sinh
năm Giáp Tuất có mệnh Hỏa. Theo như cách làm này thì việc đặt tên chỉ được thực
hiện khi có đủ dữ kiện năm tháng ngày giờ sinh của bé. Ngày xưa các cụ cẩn thận
lắm, “thấy mặt” mới “đặt tên”. Con hiện nay đa phần các bậc cha mẹ đều chuẩn bị
tên cho các bé từ trước.
Thứ hai: đặt tên phù hợp với thiên can, địa chi và ngũ
hành năm sinh của bé. Ví dụ cụ thể: bé sinh năm 2023, tuổi Qúy Mão, mệnh Kim .
Về ngũ hành thì: Nên chọn tên có ngũ hành là Thổ và Kim đặt cho bé là tốt nhất.
Vì tên có ngũ hành Thổ tương sinh cho mệnh Kim của bé, Tên có ngũ hành Kim thì
đồng hành với mệnh Kim của bé cũng tốt. Không nên chọn tên có ngũ hành Hỏa và
tên có ngũ hành Mộc, vì Hỏa khắc Kim, còn Kim khắc Mộc. Đối với tên có ngũ hành
Thủy thì có người cho rằng vẫn có thể đặt được vì Thủy và Kim tương sinh. Tuy
nhiên cũng có người bảo rằng không nên đặt như thế vì tuy là tương sinh nhưng
lại là sinh xuất nên sẽ không tốt. Ngoài ra còn có thể đặt các tên liên quan đến
các bộ Hợi - Mão - Mùi vì các bộ này tam hợp với nhau. Không nên đặt các tên
liên quan đến bộ Tý - Ngọ (mã) - Dậu vì ở thế Tứ hành xung. Ngoài ra cũng nên
đặt các tên thuộc bộ Mậu vì Mậu hợp Quý. Không nên đặt tên liên quan đến bộ Đinh
và Kỷ vì Đinh khắc Quý và Quý khắc Kỷ.
Thứ ba: Đặt tên bé phù hợp với tuổi của
cha và mẹ. Cách làm cũng tương tự như trên.
Thứ tư: Đặt tên bé có ngũ hành phù
hợp với ngũ hành của tên họ. Ví dụ bé họ Nguyễn, chữ Nguyễn thuộc Thổ thì không
nên đặt tên bé có ngũ hành thuộc Mộc và Thủy vì Mộc khắc Thổ, còn Thổ lại khắc
Thủy.
Thứ năm: một số việc lưu ý khi đặt tên cho bé:
- Phải chọn những tên mang
ý nghĩa tốt lành, đẹp đẽ để đặt cho bé.
- Không được đặt tên bé trùng với tên
các bậc bề trên trong gia đình.
- Không được đặt tên bé trùng với tên các vị
phật, thánh, thần, tiên.
- Không nên đặt tên bé trùng với tên các vĩ nhân lịch
sử, các vị danh nhân mà mọi người đều kính trọng tôn thờ.
- Không nên đặt tên bé
bằng những tên “quá kêu” tạo nên sự chú ý diễu cợt không cần thiết như các tên:
Ngọc Hoàng, Thiên Đình, Đỉnh Thiên, Tiên Nữ...
- Không nên đặt các tên dễ tạo
nên sự hiểu nhầm. Ví dụ tên Xương昌 (có nghĩa là: sáng sủa, hưng thịnh, tốt đẹp)
nhưng nhiều người không biết lại nghĩ là xương thịt, xương xẩu... - Không nên
đặt tên dài dòng, có âm điệu lủng củng... Như vậy để đặt một cái tên đáp ứng
được tất cả các tiêu chí như đã nêu ở trên quả thật không hề đơn giản.
3. Việc
xác định âm dương, ngũ hành cho mỗi cái tên dựa trên căn cứ nào ?
Quan điểm thứ
nhất: Phải căn cứ vào chữ Hán Nôm để xác định ngũ hành cho tên. (Quan điểm này
cho rằng nền lý số phương ra đời và phát triển song hành cùng hệ chữ Hán, hay
nói cách khác Nho học và Lý số gắn bó chặt chẽ với nhau nên phải dựa vào chữ Hán
để xác định ngũ hành cho tên).
- Xác định dựa vào bộ thủ của chữ Hán: chữ Hán có
214 bộ thủ. Có thể nêu một số bộ như bộ Thủy, bộ Mộc, bộ Sơn, bộ Thạch, bộ Kim,
bộ Mã.. cách này có độ khả tin cao.
- Xác định dựa vào số nét trên chữ Hán, chữ
Nôm. Chữ Hán Nôm gồm nhiều nét tạo thành. Người ta đếm số nét trên chữ rồi đối
chiếu với bảng số để xác định ngũ hành .Ví dụ như chữ Ngọc玉có 5 nét thì người
ta cho rằng chữ này thuộc Thổ. Ta thử trắc nghiệm 1 chút xem cách này có đáng
tin không nhé. Chữ Thủy水 (nước) có 4 nét. Chữ Mộc木 (cây) cũng 4 nét. Chữ Hỏa
火 (lửa) cũng 4 nét luôn. Đối chiếu thì các chữ 4 nét đều thuộc Hỏa. Vậy hóa ra
Thủy và Mộc cũng thuộc hành Hỏa hay sao. Thêm nữa, chữ Nhật日 (mặt trời) 4 nét,
chữ Nguyệt月 (mặt trăng) cũng 4 nét, vậy thì mặt trời và mặt trăng cùng một hành
hay sao ? Chưa hết, chữ Hán còn chia theo phổn thể và giản thể, rồi tìm hiểu sâu
hơn về cách tính số nét ở những chữ đơn, chữ ghép cũng khác nhau. Nếu làm theo
cách đếm số nét này không khó gì tìm ra nhiều trường hợp rất vô lý.
- Về cách
xác định tính chất âm dương cho tên chữ thì: đếm số nét của chữ Hán Nôm, nếu
tổng số nét là lẻ thì chữ đó thuộc dương, nếu tổng số nét là chẵn thì chữ đó
thuộc âm. Ta thử test một vài trường hợp mang tính biểu tượng xem nhé. Thượng
(trên) 3 nét, Hạ (dưới) 3 nét; Tả (bên trái) 5 nét, Hữu (bên phải) 5 nét; Nam
(con trai) 7 nét, Nữ (con gái) 3 nét. Có lẽ phương pháp này cũng không ổn lắm.
Quan điểm thứ hai: cho rằng mình là người Việt Nam nên phải dựa vào hệ chữ quốc
ngữ mới đúng. Về quan điểm này anh biết được có mấy cách sau:
- Cách 1: Tính số
nét trên kí tự rồi cộng lại số nét của tên rồi đối chiếu. Ví dụ tên LAN (hoa
lan, cây lan) có: chữ L: 2 nét, chữ A: 3 nét, chữ N: 3 nét, như vậy chữ LAN có
tổng số 8 nét, đem đối chiếu thì 8 nét thuộc Kim. Trong khi đó Lan là loài thảo
mộc lẽ ra phải thuộc Mộc chứ, sao có thể là Kim được ?
- Cách 2: dựa trên bảng
chữ cái al-pha-be, người ta cứ nhóm 9 kí tự thành 1 cặp, sắp xếp các con số từ
1-9, rồi tiếp theo cứ như vậy. Cụ thể A số 1, Ă số 2, Â số 3...E số 8, Ê số 9.
Tiếp theo G số 1, H số 2... cứ như vậy cho đến hết bảng chữ cái. Rồi cộng các
con số trong 1 cái tên sau đó đối chiếu với bảng Cửu tinh có 9 con số (khác với
bảng đối chiếu ở cách 1 dùng 10 con số)
- Cách 3: Người ta gắn cho mỗi kí tự ở
đầu mỗi tên 1 hành. Ví dụ tên bắt đầu bằng chữ Tr thì ngũ hành sẽ là như này,
tên bắt bầu bằng chữ Đ thì ngũ hành là như kia... thú thực là anh cũng chưa hiểu
họ dựa vào đâu mà đưa ra tiêu chuẩn như vậy. Túm lại là cùng 1 cái tên nếu áp
dụng 3 cách trên sẽ cho ra kết quả không giống nhau. Có lẽ vẫn còn những cách
khác người ta tự đặt ra mà anh chưa biết.
- Về cách xác định tính chất âm dương
cho tên chữ thì phân chia theo luật bằng trắc, những chữ thanh bằng (có dấu
huyền hoặc không dấu) thuộc về âm, những chữ thanh trắc (có dấu sắc, hỏi, ngã,
nặng) thuộc về dương. Theo anh thì cách này chỉ có giá trị về phương diện biểu
thanh chứ hoàn toàn không đúng về phương diện biểu ý. Test thử vài cặp chữ tiêu
biểu: Âm (thanh bằng) – Dương (thanh bằng), Sáng (thanh trắc) – Tối (thanh
trắc), Trai (thanh bằng) – Gái (thanh trắc), Cha (thanh bằng) - Mẹ (thanh
trắc)... cũng lôm côm hết cả lên.
- Quan điểm của anh về cách xác định âm dương
ngũ hành cho tên:
Thứ nhất không sử dụng phương pháp đếm số nét trong một cái
tên mà dựa vào ý nghĩa trực tiếp của cái tên đó để xác định.
Thứ hai dùng từ
điển tiếng Việt, từ điển Hán Nôm để tra cứu.
Thứ ba căn cứ vào bộ thủ chữ Hán để
xác định.
Thứ tư phân tách các bộ phận trong chữ Hán để suy luận.
Thứ 5 tìm mối
liên hệ so sánh với các sự việc hiện tượng khác để tìm câu trả lời.
Minh họa cụ
thể như sau:
- Những cái tên nói về cây cối, thảo mộc, hoa lá ví dụ như: Tùng,
Cúc, Trúc, Mai, Hoa, Thảo (cỏ), Chi (cành), Diệp (lá)..... xếp vào nhóm ngũ hành
Mộc.
- Những cái tên mang ý nghĩa về Thổ (đất), Điền (ruộng), Sơn (núi), Thạch
(đá), Ngọc (đá quý).... xếp vào nhóm ngũ hành Thổ.
- Những cái tên mang ý nghĩa
về lửa, sự đốt cháy, tính chất nóng... ví dụ Đăng (đèn), Viêm (cháy), Luyện
(rèn, đúc)... xếp vào nhóm ngũ hành Hỏa.
- Những tên mang ý nghĩa về nước như
Thủy (nước), Hải (Biển), Giang (sông), Tuyền (suối)... xếp vào nhóm ngũ hành
Thủy.
- Nhóm những tên mang ý nghĩa về kim loại nói chung như: bộ Kim (vàng, kim
loại), bộ Đao (dao, kiếm), bộ Qua (binh khí)... xếp vào nhóm ngũ hành Kim.
- Một
số cái tên rất dễ xác định như: Tí, Hợi thuộc Thủy; Dần, Mão thuộc Mộc; Thìn
Tuất Sửu Mùi thuộc Thổ... Đông東 (phương Đông) thuộc Mộc, Tây thuộc Kim, Nam 南
(phương Nam) thuộc Hỏa, Bắc thuộc Thủy, Trung (ở giữa) thuộc Thổ; Tương tự Bạch
(trắng) thuộc Kim, Hoàng (vàng) thuộc Thổ...Nhật (mặt trời) thuộc Hỏa, Nguyệt
(mặt Trăng) thuộc Thủy....
- Có những tên đồng âm những thực tế lại mang ngũ
hành khác nhau ví dụ: Thanh青 (màu xanh) thuộc Mộc, Thanh 清 (tinh khiết, trong
sạch) thuộc Thủy, Thanh 聲 (âm thanh) trung tính, không thuộc 1 hành nào cụ thể.
Đông冬 (mùa đông) thuộc Thủy, Đông 東 (phía đông) thuộc Mộc. Dương 楊 (dương
liễu) thuộc Mộc. Dương 羊 (dê, cừu) thuộc Thổ, Dương 洋 (đại dương) thuộc
Thủy... Những tên cần sự liên hệ như: Tâm (tim) thuộc Hỏa, Can (gan) thuộc Mộc,
Đảm (mật) thuộc Mộc...(cái này dựa vào thuyết phủ-tạng của Đông Y) Đó là cách
thức mà anh chọn để xác định ngũ hành cho mỗi cái tên. Xác định tính âm dương
thì dựa vào đặc tính tiêu biểu của từng chữ: Nam (trai) thuộc dương, Nữ (gái)
thuộc âm, Sơn (núi) thuộc dương, Hải (biển) thuộc âm, Điểu (chim) thuộc dương,
Ngư (cá) thuộc âm... đó là những chữ dễ phân biệt, các chữ thuộc hệ 50/50 thì
xếp vào loại trung tính.
4. Việc tìm tên phù hợp cho bé gái sinh năm 2023, tuổi
Quý Mão.
Bước 1: Hiện tại chưa có đầy đủ thông tin về Bát tự nên ta tạm bỏ qua
bước này.
Bước 2: Chọn tên theo tuổi của bé. Nữ tuổi Qúy Mão, mệnh Kim . (Nhắc
lại phần trên) Nên chọn tên có ngũ hành là Thổ và Kim đặt cho bé là tốt nhất. Vì
tên có ngũ hành Thổ tương sinh cho mệnh Kim của bé, Tên có ngũ hành Kim thì đồng
hành với mệnh Kim của bé cũng tốt. Không nên chọn tên có ngũ hành Hỏa và tên có
ngũ hành Mộc, vì Hỏa khắc Kim, còn Kim khắc Mộc. Đối với tên có ngũ hành Thủy có
người cho rằng vẫn có thể đặt được Thủy và Kim tương sinh. Tuy nhiên cũng có
người bảo rằng không nên đặt vì tuy là tương sinh nhưng lại là sinh xuất nên
không tốt. Ngoài ra còn có thể đặt các tên liên quan đến các bộ Hợi- Mão- Mùi vì
các bộ này tam hợp với nhau. Không nên đặt các tên liên quan đến bộ T-ý Ngọ
(Mã/ngựa)- Dậu vì ở thế Tứ hành xung. Ngoài ra cũng nên đặt các tên thuộc bộ Mậu
vì Mậu hợp Quý. Không nên đặt tên liên quan đến bộ Đinh và Kỷ vì Đinh khắc Quý
và Quý khắc Kỷ.
Một số tên thuộc Thổ và Kim được chọn và liệt kê như sau:
圭
Khuê: ngọc khuê. (loại ngọc trên nhọn dưới vuông, thiên tử phong vua chư hầu thì
ban cho ngọc đó).
奎 Khuê: sao Khuê (một trong Nhị thập bát tú, tượng trưng cho
văn chương, học vấn)
碧 Bích: màu xanh biếc, ngọc bích
璧 Bích: + ngọc bích, một
thứ đồ ngọc thời xưa, giẹt, hình tròn, trong có lỗ tròn. + Ngọc (nói chung). +
Tốt, đẹp.
磬 Khánh: Nhạc khí. Làm bằng đá ngọc hoặc kim loại, hình như cái thước
cong, có thể treo trên giá.
玉 Ngọc: viên ngọc, đá quý, đẹp
金 Kim: vàng, tiền,
kim loại
銀 Ngân: bạc, vàng bạc, tiền bạc.
釧 Xuyến: vòng tay (đồ trang sức).
玔
Xuyến: Vòng đeo tay bằng ngọc.
Ngọc xuyến 玉釧: Vòng ngọc; Kim Xuyến金釧: Xuyến
vàng.
珠Châu: ngọc châu, tức ngọc trai. Ta thường gọi là trân châu (珍珠).
Xuyến
châu 串珠: xâu ngọc thành chuỗi.
琇 Tú: + một loại đá đẹp giống như ngọc
+tốt
đẹp •
璚 quỳnh • 瓊 quỳnh琁 quỳnh • 琼 quỳnh:
+ ngọc quỳnh, một thứ ngọc đẹp.
+
hoa quỳnh
瑛 Anh: +ánh sáng của viên ngọc
+viên ngọc trong suốt •
璎 anh • 瓔
anh : chuỗi ngọc đeo
琰 diễm Một thứ ngọc đẹp. Nói tắt của “diễm khuê” 琰圭
映
Ánh • 暎 ánh: ánh sáng, chiếu sáng, phản chiếu.
1. Tên Khuê (ngọc) như : Thụy
Khuê, Tú Khuê, Mai Khuê, Anh Khuê, Ánh Khuê, Ngọc Khuê, Bích Khuê, Quỳnh Khuê,
Diễm Khuê ( các tên này đều có ý nghĩa chỉ các loại ngọc, nói nên sự quý giá,
thuộc tính ngũ hành của các tên này là THỔ bởi chữ Khuê 圭 được cấu tạo gồm hai
chữ 土 thổ).
2. Tên Khánh: Ngọc Khánh (cái khánh bằng ngọc), Kim Khánh (cái
khánh bằng vàng), Ngân Khánh (cái khánh bằng bạc) chữ Khánh磬thuộc bộ thạch石
cũng mang tính THỔ tốt cho người mệnh kim.
3. Tên Anh, Châu, Bích, Quỳnh Ngọc
phối ghép với nhau như: *Quỳnh Anh, Kim Anh, Tú Anh, Ngọc Anh, Thụy Anh, *Mai
Châu, Ngọc Châu, Xuyến Châu, Thụy Châu, Bích Châu, Diễm Châu, *Ngọc Bích, Bích
Ngọc, Mai Ngọc, *Tú Quỳnh, Diễm Quỳnh, Ngọc Quỳnh,Mai Quỳnh, Bích Quỳnh...
ý
nghĩa các tên này đều chỉ các loại ngọc nói chung. Tất cả các chữ trên đều thuộc
bộ Ngọc, có tính THỔ và hợp với người mệnh kim. Các tên này mang ý nghĩa đẹp,
tốt lành, cao quý.
4. Tên Khuê ( Khuê là tên một ngôi sao trong chòm 28 sao,
đứng đầu nhóm sao Bạch Hổ phương tây, có 16 ngôi, sắp xếp khúc khuỷu giống hình
chữ Văn 文. Trong sách Hiếu kinh có ghi: Khuê chủ văn chương. Về sau người ta
coi sao Khuê biến hoá là người đứng đầu của quan văn. Trong văn hóa Đông Á và
Việt Nam, sao Khuê là biểu tượng của văn chương, học thuật. Khuê Văn Các được
xây dựng tại Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, mang biểu tượng
này. Những bậc bác học lỗi lạc trong lịch sử được ví là sáng như sao Khuê. Hiện
nay ở Việt Nam có Giải thưởng Sao Khuê là một giải thưởng về khoa học và công
nghệ, nhằm biểu dương các doanh nghiệp, cơ quan, tập thể và cá nhân có thành
tích xuất sắc đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp phần mềm và công nghệ
thông tin Việt Nam. Chữ Khuê 奎 (sao Khuê) được cấu tạo bởi chữ đại 大 và hai
chữ thổ土, bản chất sao Khuê mang ngũ hành Kim nên rất hợp với người mệnh Kim.
Tên này mang ý ngĩa tri thức, khoa bảng, tâm hồn thanh cao. Ánh Khuê: ánh sáng
sao Khuê Minh Khuê: sáng như sao khuê Ngọc Khuê, Tú Khuê, Bích Khuê, Thụy Khuê,
Mai Khuê, Diễm Khuê: đẹp như sao Khuê.
5. Một số tên khác mang tính kim hợp với
người mệnh kim như: Thiên Kim (ngàn vàng), Kim Ngân (vàng bạc), Ngọc Xuyến (vòng
ngọc), Kim Xuyến (vòng vàng), các tên này mang ý nghĩa giàu sang phú quý.
Bước
3: Chọn tên kết hợp với tuổi bố mẹ. Con tuổi Quý Mão mệnh Kim, bố mẹ cùng tuổi
Giáp Tuất mệnh Hỏa. Như vậy Thiên Can Địa Chi không có xung khắc gì, nhưng lại
xung khắc về ngũ hành bản mệnh. Bố mẹ mệnh Hỏa khắc con mệnh Kim. Để giải quyêt
vấn đề này cần chọn cho con 1 tên thuộc Thổ. Vì hành mệnh của bố mẹ là Hỏa tương
sinh cho hành tên của con là Thổ, hành tên là Thổ tương sinh cho hành bản mệnh
là Kim (Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim). Vậy là một số tên thuộc Kim ở bên trên sẽ
bị loại, giờ chỉ chọn tên thuộc Thổ.
Bước 4: chọn tên kết hợp với họ cho phù hợp
ngũ hành.
- Xác định thuộc tính ngũ hành của họ Phạm范 . Chữ Phạm trong Hán tự
thuộc bộ Thảo (cỏ), thuộc nhóm cỏ cây hoa lá nên có thể xác định được ngay chữ
Phạm có ngũ hành thuộc Mộc. ( chi tiết hơn thì chữ Phạm thuộc bộ Thảo, được cấu
tạo từ 3 chữ: gồm chữ Thảo (cỏ), chữ Thủy (nước) và chữ Tiết (đốt tre). Như vậy
có 3 chữ thành phần thì 2 chữ thuộc Mộc, 1 chữ thuộc Thủy, yếu tố Mộc nhiều hơn,
lại có Thủy tương sinh, vậy nên Mộc mạnh). Vậy là chữ Phạm thuộc Mộc là rõ ràng.
Nhưng điều đáng nói ở đây là Mộc của chữ Phạm khắc với Thổ tên của bé thì làm
sao đây ?
- Phải tìm cho bé 1 tên đệm thuộc Hỏa, thì sẽ giả quyết được vấn đề
này. Vì Mộc của chữ Phạm tương sinh cho Hỏa của tên đệm, Hỏa tên đệm tương sinh
cho Thổ của tên của bé, Thổ của tên bé lại tương sinh cho Kim bản mệnh. Sau một
hồi tra cứu thì không dễ gì tìm được nhiều cái tên thuộc Hỏa dùng làm tên đệm
cho bé. Quanh đi quẩn lại tóm được 3 cái tên đệm thuộc Hỏa là: 1. Diệu 燿 : soi,
rọi, chiếu sáng. (không phải chữ Diệu妙 : hay, đẹp, tuyệt, kỳ diệu, tài tình.
Rất tiếc chữ này không dùng được vì không thuộc Hỏa). 2. Diễm 琰 : lóng lánh,
một thứ ngọc đẹp. (chữ này tuy thuộc bộ Ngọc nhưng Hỏa tính rất mạnh vì chỉ có 1
chữ Ngọc nhưng lại có 2 chữ Hỏa đi cùng). Diễm 焰 , 熖 , 燄 , 爓,炎 diễm : ngọn
lửa, ánh lửa. 3. Thục熟 : Chín, đã quen, kỹ càng (không phải chữ Thục淑: hiền
lành, hiền thục, thùy mị, dịu dàng, dịu hiền, xinh đẹp. Chữ này thuộc Thủy không
dùng được). Chữ Thục 熟 dùng làm tên đệm nghe thì khá hay nhưng không sáng nghĩa
nên đành bỏ vậy. Vậy chỉ còn hai chữ đệm là Diệu và Diễm. Bây giờ thử kết hợp
đầy đủ họ + tên đệm + tên chính:
PHẠM 范 DIỆU燿
CHÂU 珠 1
TÚ琇 2
ANH瑛 3
KHUÊ 圭
4
BÍCH璧 5
KHÁNH磬 6 (các tên trên đều mang ý nghĩa là ngọc chiếu sáng)
PHẠM范DIỄM 琰
CHÂU 珠 7
QUỲNH 璚 . 瓊 . 琁 . 琼 8
NGỌC玉 9
KHUÊ 圭 10 (các tên
đều mang ý nghĩa ngọc đẹp lóng lánh).
Như vậy là ta tạm có 10 cái tên để lựa
chọn: những tên này đều có đặc điểm. - Góp phần chế hóa xung khắc giữa hành của
cha mẹ với hành của bé: mệnh cha mẹ đều thuộc Hỏa tương sinh cho tên chính của
con thuộc Thổ, tên chính thuộc Thổ lại tương sinh cho mệnh Kim của con. - Tạo
mối quan hệ tương sinh giữa Họ - tên đệm – tên chính – bản mệnh của bé.
Trong sự
hiểu biết hạn hẹp của anh về lĩnh vực này anh đã chia sẻ hết với em. Chứ khi đặt
tên cho 2 nhóc nhà anh, anh cũng không chi tiết như này đâu. Chúc em và gia mọi
sự tốt lành !
Nhận xét
Đăng nhận xét